Rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc hiện tại ở Việt Nam thừa hay thiếu bác sĩ. Trên thực tế thì không có một khái niệm chung nào để đối chiếu một quốc gia hay vùng miền nào đó thừa hay thiếu bác sĩ. Nhu cầu về số lượng bác sĩ, đặc điểm chuyên môn và kỹ năng của các bác sĩ ở mỗi quốc gia và vùng miền lại khác nhau, thậm chí mỗi thời điểm lại khác nhau tùy thuộc vào đặc thù dân số và bệnh lý, chưa nói đến điều kiện kinh tế và một loạt các yếu tố khác kèm theo. Lấy ví dụ, các quốc gia dân số già như Đức, Anh hay một số quốc gia khác ở Châu âu thì xã hội cần một hệ thống y tế to lớn để chăm sóc những người cao tuổi này. Thu nhập bình quân ở các quốc gia này cũng thuộc diện cao nhất trên thế giới nên họ có “điều kiện” để phát triển hệ thống y tế nói chung và hệ thống bác sĩ nói riêng cả về số lượng và chất lượng.
Thông thường, tổ chức y tế thế giới WHO dùng chỉ số (rating) 1:1000 hay 1:10.000 tức là số lượng bác sĩ trên 1000 dân hoặc trên 10.000 dân để đánh giá về mặt số lượng. Chỉ số 1:1000 thường được dùng nhiều hơn. Theo tổ chức này thì nếu một quốc gia hay vùng miền nào đó đạt tỷ lệ 1 bác sĩ trên 1000 dân thì sẽ đạt được mức khuyến cáo của tổ chức này, mức 1:1000 được định nghĩa là “Golden Finishing Line”.
Theo thống kê mới nhất của ngân hàng thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có 0.8 bác sĩ trên 1000 dân, Cambodia 0.2 bác sĩ trên 1000 dân, Lào 0.4 bác sĩ trên 1000 dân, Trung Quốc 02 bác sĩ trên 1000 dân, Mỹ 2.6 bác sĩ trên 1000 dân, Australia 5.2 bác sĩ trên 1000 dân, Anh 2.8 bác sĩ trên 1000 dân. Tuy nhiên, đây là con số thống kê trung bình của các quốc gia, trong mỗi quốc gia thì con số này có thể có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là giữa nông thôn và thành thị. Hơn hết, chất lượng bác sĩ mà nòng cốt là chất lượng các chương trình đào tạo là yếu tố then chốt để đánh giá tổng thể năng lực hệ thống y tế.
MediJob