Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa Telemedicine là chữa bệnh từ xa hoặc Y tế từ xa. Đó là việc sử dụng công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ lâm sàng từ xa cho bệnh nhân. Các bác sĩ sử dụng thiết bị từ xa để truyền hình ảnh kỹ thuật số, tư vấn video và chẩn đoán y tế từ xa. Đối với khu vực nông thôn hay vùng xa, thiếu phương tiện giao thông, thiếu tính cơ động, giảm kinh phí hoặc thiếu nhân lực Y tế thì Y tế từ xa có tác dụng rất to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Ngày nay, người dân không mấy mặn mà với việc phải lên lịch đi khám trực tiếp với các bác sĩ. Việc sử dụng các kết nối video và âm thanh một cách an toàn giúp các bác sĩ và chuyên gia Y tế có thể điều trị cho các bệnh nhân cư trú tại các vùng miền xa xôi, những nơi hạn chế về cơ sở hạ tầng và nhân lực Y tế.
Phát triển Y tế từ xa thay vì trực tiếp đến bệnh viện có rất nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ.
Đối với bệnh nhân:
- Tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại
- Các bệnh nhân ở vùng nông thôn, vùng sâu xa có thể tiếp cận các phương pháp điều trị tiên tiến một cách dễ dàng
- Bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân truyền nhiễm khác, chẳng hạn các bệnh nhân nhiễm Corona Virus tiềm tàng trong cộng đồng mà xã hội đang phải đối mặt.
Đối với nhà cung cấp dịch vụ hoặc các bệnh viện tham gia phát triển dịch vụ Y tế từ xa:
- Tăng doanh thu
- Cải thiện hiệu quả làm việc của bộ máy
- Theo dõi bệnh nhân tốt hơn
- Dễ dàng kết nối với các bệnh viện, cơ sở Y tế khác trong nước hay ở nước ngoài
- Dễ dàng kết nối với các chuyên gia thông qua các phương tiện kết nối điện tử từ xa
Lịch sử của việc phát triển Y tế từ xa
Y tế từ xa không phải là một khái niệm mới. Trên thực tế, khái niệm về Y tế từ xa có từ thế kỷ 19, bắt đầu khi một vài bệnh viện muốn tiếp cận bệnh nhân ở các địa điểm xa xôi đã tạo ra một hệ thống tích hợp toàn bộ dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên tục. Đến năm 1879, một báo cáo của Lancet đưa ra thảo luận về việc sử dụng điện thoại có thể giảm số lần khám bệnh trực tiếp không cần thiết như thế nào. Đây là khởi đầu của một sự chuyển hướng tư tưởng chăm sóc bệnh nhân.
Năm 1922, Tiến sĩ Hugo Gernsback đã giới thiệu teledactyl trong một tạp chí khoa học. Gernsback dự đoán rằng thiết bị phản hồi giác quan này sẽ cho phép các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân của mình thông qua một màn hình truyền hình và chạm vào bệnh nhân từ xa thông qua cánh tay robot.
Các hình ảnh X quang đầu tiên được gửi qua điện thoại giữa hai nhân viên y tế tại hai trung tâm y tế khác nhau ở Pennsylvania vào năm 1948. Sau đó vào năm 1959, các bác sĩ tại Đại học Nebraska đã truyền các bài kiểm tra thần kinh cho các sinh viên y khoa sử dụng truyền hình tương tác hai chiều. 5 năm sau, một liên kết truyền hình mạch kín được xây dựng cho phép các bác sĩ tư vấn tâm thần đi xa 112 dặm từ bệnh viện của tiểu bang Norfolk.
Ngày nay, hầu hết mọi người đều có thể truy cập vào các thiết bị từ xa cơ bản như điện thoại di động và máy tính. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các bệnh nhân ở khu vực nông thôn và kể cả bệnh nhân khu vực thành thị nhưng bận rộn với công việc có thể dễ dàng kết nối với bác sĩ của mình. Các thiết bị y tế sử dụng tại nhà giúp các bác sĩ có thể theo dõi các thông tin sức khỏe của bệnh nhân một cách thường xuyên.
Năm 2020, Telemedicine được dự kiến sẽ là một ngành công nghiệp trị giá 35 tỷ đô la và là một phần không thể thiếu của dịch vụ chăm sóc sức khỏe thời kỳ hiện đại. Lịch sử của phát triển của Telemedicine cho thấy rằng thế giới đã đi rất xa nhưng Việt Nam vẫn còn rất chậm chạp và mơ hồ.
Ngày nay với sự phát triển của các mạng xã hội như Facebook, Skype, FaceTime sẽ giúp Telemedicine có điều kiện bùng nổ.
VietMES